REVIEW SÁCH: ”Tư Duy Não Phải - Vượt Qua Giới Hạn Của Tư Duy Logic”
Rõ ràng chúng ta thường được dạy: điều quan trọng nhất trong công việc chính là suy nghĩ một cách logic dựa trên dữ liệu và các con số, tuyệt đối không đưa ra quyết định bằng trực giác. Nhưng có thật vậy không? Khi mà trong đời sống hàng ngày, rất nhiều người lại chủ yếu dựa vào trực giác và cảm nhận của bản thân. Với kinh nghiệm tư vấn kinh doanh tại Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) và tốt nghiệp Đại học Tokyo, Kazunari Uchida - tác giả cuốn sách “Tư duy não phải ” chỉ ra rằng những doanh nhân giỏi hay nhà lãnh đạo xuất sắc đều coi trọng cả kinh nghiệm lẫn trực giác.
Trên thực tế, não bộ con người được chia làm hai phần: “não phải” để chỉ chung những cảm hứng, ý tưởng, suy nghĩ không thể giải thích bằng logic như cảm xúc, linh cảm và trực giác. Ngược lại, “não trái” chính là logic hoặc những thứ có thể giải thích được bằng logic. Trong cuốn sách này tác giả chỉ ra rằng sử dụng não trái và não phải không nên được sử dụng độc lập, riêng biệt, mà giữa chúng cần có sự tương tác qua lại, điều đó được gọi là sự tương tác qua lại của tư duy, nếu chỉ sử dụng một trong hai, chúng ta đang tự giới hạn tiềm năng của chính mình.
Uchida chỉ ra cách kết hợp não trái và phải một cách linh hoạt bằng các phương pháp như: (1) Suy nghĩ bằng não phải > (2) kiểm tra tính logic bằng não trái > (3) dùng não phải để phát triển luồng logic mà não trái nghĩ ra. Hay chúng ta có thể rèn luyện sức mạnh của não phải thông qua quan sát - cảm nhận - trực giác, rồi dùng não trái để phân tích vấn đề, não phải sẽ dùng sự đồng cảm và thấu hiểu để đưa ra quyết định - tác giả gọi đó là cấu trúc bánh kẹp của não trái và não phải.
Ngoài phân tích lý thuyết và chỉ ra các phương pháp luyện tập, sách cũng có nhiều những dẫn chứng thú vị là trải nghiệm của tác giả trong nhiều năm làm tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp, biến ý tưởng thành những chiến lược kinh doanh.
Tuần rồi mình cũng tình cờ nghe một podcast, trong đó khách mời là một nhân sự cấp cao của một tập đoàn lớn, anh chia sẻ rằng dù rất chú trọng dữ liệu trong kinh doanh nhưng anh vẫn thường ra quyết định bằng trực giác, vì thực ra trực giác chính là những kiến thức kinh nghiệm được đúc kết ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta. Còn bạn, bạn nghĩ gì về tư duy não phải và bạn có tin vào trực giác của mình không?
Cảm ơn bạn đã ghé qua và đọc những dòng chia sẻ này
Viết bởi: Hoàng Hà