Những sáng kiến Phần Lan là tập hợp hơn 100 sáng kiến xã hội, chính trị được biên soạn từ các bài viết của các chính trị gia, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Chủ biên cuốn sách, ông IIkka Taipale nguyên là đại biểu quốc hội từ những năm 1960 và là người nổi tiếng trong các vận động cũng như đấu tranh cho các vấn đề an sinh xã hội ở Phần Lan. “Những sáng kiến Phần Lan” là câu trả lời cho những ai quan tâm đến đất nước Bắc Âu nhỏ bé xinh đẹp, đã từng là quốc gia nghèo khó với thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, tài nguyên nghèo nàn, lại bị chiến tranh tàn phá làm sao có thể vươn lên mạnh mẽ và chỉ trong 40 năm đã nằm trong top đầu thế giới về mức sống, giáo dục, minh bạch, bình đẳng và tự do ngôn luận, năm thứ 6 liên tiếp là "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới lần thứ 10 do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố.
Sách không bàn tới những thứ quá hàn lâm mà chia sẻ những sáng kiến về xã hội, chính trị và cuộc sống thường ngày ở Phần Lan, trình bày đa dạng, từ nhỏ đến quan trọng, từ các cấu trúc chính trị phổ quát đến những niềm vui thường nhật, với các chủ điểm từ quốc hội độc viện đến tủ phơi bát, từ chăm sóc trẻ ban ngày tới cầu giặt công cộng, từ công việc cộng đồng (“đàn ong thợ”) đến chủ nghĩa ba bên, từ bơi lội trong băng đến chính phủ liên hiệp, và từ hệ điều hành Linux đến Ông già Noel. Tác giả nhấn mạnh những yếu tố như: đề cao giáo dục, nuôi dưỡng truyền thống đọc sách, xây dựng xã hội bình đẳng, và trao quyền tự chủ lớn cho các địa phương…là những điểm then chốt tạo nên đất nước Phần Lan ngày nay. Trong rất nhiều những sáng kiến thiết thực liên quan đến tất cả các mặt của đời sống, mình đặc biệt thích sáng kiến về “Phương pháp sáng tác truyện” cho bất kể tuổi tác, giới tính, xuất thân văn hoá, trình độ học vấn. Nó là quy trình 4 bước (1) lắng nghe mà không đánh giá, (2) sao chép lại nguyên văn, (3) đọc lại câu chuyện đã chép, (4) chỉnh sửa theo ý người kể, có tác dụng gắn kết các mối quan hệ và được ứng dụng rộng rãi hơn 30 năm nay trong gia đình, phòng khám sản khoa, nhà trẻ, viện dưỡng lão…
Frank Martela, nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần, triết gia người Phần Lan, cho biết danh hiệu "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" bắt nguồn từ ba niềm tin phổ biến: ý thức cộng đồng mạnh mẽ, thói quen làm điều tốt đối với người khác, tìm mục tiêu sống rõ ràng cho bản thân. Ý thức này thực ra là đến từ mỗi bản thân chúng ta, mong rằng tất cả chúng ta luôn hướng đến những điều này trong cuộc sống để cùng tạo dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn.
#libmas #nhungsangkienphanlan #bookreview
Viết bởi: Hoàng Hà