”Sống theo chủ nghĩa tối giản có nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống, bỏ đi những thứ không cần thiết để chào đón những thứ cần thiết, có ý nghĩa hơn. Những thứ không cần thiết này có thể là vật dụng, đồ đạc hàng ngày, nhưng cũng có thể là những suy nghĩ tiêu cực, thói quen mua sắm dư thừa, những mối quan hệ không tốt, hay nói một cách dễ hiểu là tất cả những thứ không còn mang lại cho ta niềm vui và ý nghĩa sống. Sau khi trải qua quá trình “thanh lọc” này, đầu óc ta sẽ trở nên thông thoáng hơn, tập trung tốt hơn vào công việc, trân trọng hơn những gì mình đang có, và đón được thêm các cơ hội mới.” (Trích “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” - Chi Nguyễn)
Thi thoảng với mình có những cuốn sách xuất hiện đúng thời điểm theo kiểu “tín hiệu vũ trụ” và với mình “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” là một trong những số đó. Cách đây 5 năm, 1 tháng trước ngày chuyển sang căn hộ mới, mình đã đọc “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” và rồi đồ đạc cũng như tâm trí bộn bề của việc chuyển nhà trở nên dễ thở hơn. Sách được viết bởi tác giả Chi Nguyễn- tiến sỹ giáo dục ở Mỹ và được nhiều người biết đến qua trang blog The Present Writer, lối viết giản dị và chỉn chu như trên blog, những quan điểm mở, kinh nghiệm và tư duy mà tác giả đúc kết được dựa trên những trải nghiệm đã có, nếu bạn đang quan tâm đến Chủ nghĩa tối giản nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu thì mình nghĩ “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” là một khởi đầu phù hợp.
Để bắt đầu lối sống tối giản thì chúng ta nên bắt đầu từ đồ đạc, từ không gian sống của chúng ta trước vì thay đổi cái hữu hình bao giờ cũng dễ dàng hơn. Đọc sách mới thấy dù mình dọn dẹp thường xuyên và nhìn chung mọi thứ tưởng chừng không đến nỗi quá nhiều nhưng khi dọn nhà vẫn thấy nhiều vậy nhỉ? Lí do là gì?
* Ngần ngại bỏ đi những món đồ có giá trị kỉ niệm.
* Chần chừ với những món đồ có giá trị nhưng không còn phù hợp nữa.
* Không nhìn thấy chúng nên quên luôn sự tồn tại của chúng.
* Sắp xếp đồ đạc gọn gàng không có nghĩa với việc có ít đồ đạc.
* Không biết đặt ưu tiên những cái mình cần lên trên những thứ mình muốn.
* Thường xuyên cảm thấy “tiếc của” khi bỏ đi những đồ dù thừa thãi nhưng còn giá trị sử dụng.
Tác giả cũng đưa ra lời khuyên cho chúng ta trong việc tối giản hóa đồ đạc:
* Dọn toàn bộ đồ đạc trong một lần duy nhất, thay vì dọn từng chút một mỗi lần.
* Dọn đồ theo từng loại, không phải theo từng khu vực.
* Ngừng việc “giấu” đồ đạc.
* Tập trung vào yếu tố đơn giản.
Có người sẽ phản biện - lối sống tối giản có gây ra sự lãng phí không? mình nghĩ nó hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Với những đồ đạc không dùng đến, bạn có thể mang đi tặng, quyên góp cho những người cần đến nó hoặc mang đến hội chợ trao đổi đồ cũ. Những đồ bạn dễ hỏng mà bạn chưa đụng đến lần nào đã vứt đi thì mới là lãng phí thì cần cân nhắc và lên kế hoạch mua sắm, chỉ mua khi thực sự cần thiết và tính đến khả năng sẽ sử dụng đến nó.
Khi không gian sống tối giản như mình mong muốn thì tâm trí mình cũng sẽ có trở nên nhẹ nhàng, từ việc đơn giản hoá sự lựa chọn - "Lựa chọn càng nhiều càng khiến ta dễ phân tâm, càng cần nhiều thời gian hơn để đưa ra một quyết định đơn giản". Thực ra không phải có nhiều lựa chọn thì mới là tốt, chúng làm ta băn khoăn, đắn đo, và lời khuyên là:
* Bình tĩnh ngồi lại, nghiêm túc vạch ra điểm mạnh và yếu của từng lựa chọn.
* Hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm
* Sử dụng trực cảm của mình để quyết định (mình từng đọc 1 cuốn sách khá hay về chủ đề này - Tư duy não phải, có dịp mình sẽ review)
* Áp dụng quy luật 80/20 - Pareto (có dịp mình cũng viết về sách nói về quy luật này).
Sống cho hiện tại và “Chủ nghĩa tối giản” tưởng chừng như không có mối liên quan nhưng tác giả chỉ ra thực chất là có: Khi bạn sống theo lối tối giản, bạn sẽ phải luôn suy nghĩ, cân nhắc xem nên giữ lại cái gì và bỏ cái gì, học cách lựa chọn những thứ ưu tiên. Cách đó giúp bạn biết chọn lọc hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, đa chiều hơn.
Tư duy tích cực - “Nhìn cuộc đời dưới lăng kính của Chủ nghĩa tối giản, ta sẽ nhận ra cuộc sống quá ngắn ngủi và quý giá để dành nhiều thời gian, tâm trí vào những đồ vật vô tri vô giác, vào những việc vô nghĩa, vào những người vô cảm, hay vào quá khứ,tương lai vô định. Nhưng tất cả sự nhận thức này đều bắt nguồn từ tư duy, 5 điều hữu ích để có thể tư duy tích cực:
* Đặt đúng mức kì vọng
* Biết ơn những gì mình đang có
* Ngừng so sánh bản thân và ngừng ghen tị với người khác.
* Tập trung vào những thứ ta có thể kiểm soát.
* Gửi bên ngoài nguồn năng lực tích cực.
Lí thuyết nhiều rồi thì lên kế hoạch hành động thôi, mọi sự thay đổi lớn hay nhỏ thì đều nên được xuất phát từ chính bản thân mình, tại chính thời điểm này. Lời khuyên dành cho sự bắt đầu từ cá nhân của cuốn sách đó là: biết trân trọng, yêu thương bản thân mình hơn, nuôi dưỡng “cái tôi” của mình thật khỏe mạnh bằng các cách như: viết ra những suy nghĩ, tâm tư của mình để giải tỏa cảm xúc; rèn luyện sức khỏe; dậy sớm mỗi ngày để cảm nhận được vẻ đẹp bình yên và trong lành mỗi sáng sớm, dành thời gian cho những công việc nhỏ chăm sóc cuộc sống mình thêm đẹp hơn. Thương chúc mọi người năm mới tối giản và an yên.
#libmas
#motcuonsachvechunghiatoigian