Trên tạp chí Inc, giới nghiên cứu khoa học thần kinh giải thích tại sao thủ thuật đọc kỳ lạ của Bill Gates lại hiệu quả đến vậy.
Khi Bill Gates muốn tìm hiểu về một điều gì đó và ghi nhớ nó, ông ấy đọc rất nhiều, không chỉ đọc về chủ đề chính mà còn về các chủ đề liên quan. Ví dụ, khi muốn tìm hiểu về khoa học, ông đọc cả về lịch sử của khoa học và về từng nhà khoa học cũng như chặng đường và hiểu biết sâu sắc của họ.
Bill Gates giải thích: "Làm vậy, bạn nắm được dòng thời gian, hoặc bản đồ... các ngành khoa học. Nếu bạn có được một cái khung rộng, bạn có thể đặt mọi thứ vào. Nếu bạn đọc đủ, bạn cũng sẽ thấy việc nắm bắt dễ dàng".
Mặt khác, ông cho rằng nếu học một thứ gì đó hoàn toàn mới, không có khuôn khổ hay khuôn mẫu nào sẵn trong đầu, thì điều đó khó hơn rất nhiều.
Nghiên cứu não bộ cho thấy Bill Gates nói đúng. Việc xây dựng một bộ khung xoay quanh chủ đề cho thông tin khớp vào, thì người ta có thể tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn.
Khả năng nhận diện những khuôn mẫu
Các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực vật lý, khoa học thần kinh và kỹ thuật sinh học đã hợp tác tiến hành một thí nghiệm trên 360 tình nguyện viên.
Tham gia thí nghiệm này, các đối tượng sẽ nhìn vào các hàng năm ô vuông màu xám, một hoặc hai trong số đó sẽ chuyển sang màu đỏ. Khi sự chuyển màu xảy ra, những người tham gia được yêu cầu nhấn ngay các phím tương ứng trên bàn phím trước mặt họ.
Các nhà khoa học đã theo dõi xem mất bao lâu kể từ khi các ô vuông chuyển sang màu cho đến khi đối tượng nhấn phím.
Điều mà những người tham gia không biết là các phím chuyển sang màu đỏ không hoạt động theo thứ tự ngẫu nhiên. Chúng chuyển màu theo một trong hai mẫu, mẫu "mô-đun" dựa trên ba ngôi sao năm cánh được liên kết hoặc mẫu "lưới", dựa trên năm hình tam giác được liên kết.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các đối tượng sẽ có thể bấm phím nhanh hơn nếu bộ não của họ nhận ra khuôn mẫu và do đó có thể dự đoán ô vuông nào sẽ chuyển sang màu đỏ tiếp theo.
Và quả thực, khi nhìn vào các ô vuông theo mô hình mô-đun, người ta dễ nhận biết quy luật hơn, các đối tượng có thể dự đoán ô vuông nào sẽ chuyển sang màu đỏ và nhấn các phím tương ứng nhanh hơn nhiều.
Phân tích phản ứng của người tham gia thí nghiệm, các nhà nghiên cứu kết luận rằng theo bản năng, chúng ta tìm kiếm các mẫu và sự tương đồng trong dữ liệu mà chúng ta tiếp thu. Hay như Gates nói, chúng ta tìm kiếm những thứ giống những thứ khác.
Bộ não của chúng ta được kết nối để tìm các khuôn mẫu ở bất cứ đâu có thể và ưu tiên nhìn thấy các mẫu tổng quát đó hơn là hiểu đúng mọi chi tiết.
Điều này giúp ta học nhanh hơn và nhận ra các mẫu nhanh hơn - một kỹ năng được cho là còn có khả năng cứu mạng nếu mẫu cảnh báo về một mối nguy hiểm sắp xảy ra.
Cũng quan trọng không kém, các nhà nghiên cứu cho biết khả năng này cho phép chúng ta bảo tồn năng lượng tinh thần, một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng ta.
Đó chính là lý do phương pháp đọc và nghiên cứu theo khuôn mẫu của Gates lại là một cách học hiệu quả đến vậy. Giải quyết một chủ đề theo cách của Gates có thể giúp bạn tiếp thu thông tin nhanh hơn và ghi nhớ nhiều hơn những gì bạn học được.
Một điều thú vị nữa là các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một số người có thể nhìn thấy các khuôn mẫu tổng quát tốt hơn cũng có thể kém chính xác hơn, trong khi một số người giỏi nhận biết các chi tiết lại kém hơn trong việc nhận thức các mẫu tổng quát.
Theo Zingnews